Saturday, June 9, 2012

GUITAR LE VINH QUANG
Các bạn vào website xong. Hãy đăng ký ngay một account để trở thành một thành viên thì mới có thể sử dụng được hết các tính năng có trong website.
hunglouis

Saturday, March 31, 2012

NHÀ GIÁO DỤC HỌC XÔ VIẾT NỔI TIẾNG ANTON MAKARENKO

Tiểu sử của nhà sư phạm, nhà văn Anton Makarenko.
Anton Makarenko sinh ngày 13/3/1888 tại thành phố Belopolie huyện Sumsky tỉnh Kharkov trong một gia đình công nhân. Năm 1904 Makarenko tốt nghiệp trường trung học 4 lớp ở Kremenchug, sau đó thì tốt nghiệp các khóa đào tạo giáo viên. Năm 1905-1914 ông giảng dạy trong các trường học ngành đường sắt. Trong những năm 1916-1917 phục vụ trong quân đội, phục viên do cận thị. Năm 1917 tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Polrava với huy chương vàng. Từ năm 1918 làm thanh tra giáo dục tiểu học ở thành phố Kriukov, phụ trách trường tiểu học thành phố ở Poltava.
Từ tháng 9/1920 Makarenko là giám đốc trại cải tạo Poltava (sau này mang tên M.Gorky), nơi ông quyết định thực hiện phương pháp “mối quan hệ Gorky đối với con người”. Năm 1927 ông kết hợp trại Poltava với một trại xải tạo khác ở Kharkov, “nổi tiếng” ở Ukraina như là nơi tập trung những kẻ trộm và trẻ em lang thang hư nhất. Tiếp đó những thành công trước đó chưa có tiền lệ của nhà sư phạm – cải cách được xây dựng trên cơ sở sử dụng khả năng giáo dục khổng lồ của tập thể, sự phối hợp giáo dục ở trường học với lao động sản xuất, sự kết hợp giữa lòng tin tưởng và sự đòi hỏi. Năm 1928 Gorky sau khi làm quen với trại Poltava và Kharkov đã viết trong thư gửi Makarenko: “Cuộc thí nghiệm sư phạm vô cùng ý nghĩa của đồng chí là hết sức thành công và có giá trị thế giới”.
Năm 1927 những chương đầu tiên của cuốn “Trường ca sư phạm” đã được viết. Khi đó Makarenko đã thiết lập xong dự án quản lý các trại cải tạo thiếu nhi của tỉnh Kharkov để triển khai rộng hơn kinh nghiệm của mình. Tuy nhiên do những chỉ trích từ giới sư phạm (cơ sở của những chỉ trích này không chỉ là những khiếm khuyết bị Makarenko bỏ sót, mà còn chủ nghĩa bảo thủ, và đơn giản là sự ghen tỵ của những đồng nghiệp không thành công bằng) mà sau hè năm 1928, sau khi Dân ủy Giáo dục (Наркомпрос) Ukraina tuyên bố rằng hệ thống giáo dục của Makarenko là “không xô viết”, thì ông viết đơn xin thôi việc.
Năm 1932 Makarenko công bố tác phẩm văn học – sư phạm lớn đầu tiên “Tuần hành năm 30” – các bút ký kể về cuộc sống của trại giáo dục kiểu mới.
Từ năm 1928 Makarenko tiến hành các công việc nhằm xây dựng một tập thể mới – công xã mang tên F.E.Dzerzhinsky ở gần Kharkov. Công xã này không chỉ có khả năng giáo dục các thiếu niên “khó khăn” trong quá trình lao động tập thể, mà còn là một cơ sở sản xuất có lãi, đem lại cho đất nước khi đó lợi nhuận khá lớn, thậm chí còn bắt đầu sản xuất các thiết bị phức tạp – máy ảnh FED và mô hình máy khoan điện đầu tiên của Nga, điều này được thể hiện trong tên gọi cuốn sách tiếp theo của Makarenko – “FD-1”.
Nhờ sự giúp đỡ của M.Gorky trong những năm 1933-1935 cuốn “Trường ca sư phạm” đã được xuất bản, đem lại cho tác giả của nó sự nổi tiếng thế giới và mở ra một trang mới trong lịch sử sư phạm. Makarenko cũng viết các kịch bản “Cá tính thực sự”, “Chuyến công tác”, tiểu thuyết “Những con đường của thế hệ”.
Năm 1935 Anton Makarenko chuyển về Kiev làm Phó giám đốc phụ trách các trại lao động của NKVD Ukraina, sau đó thì chuyển tới Matxcơva, nơi ông viết xong “Cuốn sách dành cho các phụ huynh” (1937). Truyện vừa “Ngọn cờ trên đỉnh tháp” (1938) tiếp tục chủ đề các tác phẩm văn học – sư phạm của ông. Hoạt động văn học và xã hội của Anton Makarenko ở Matxcơva bị chấm dứt bởi cái chết đột ngột của ông trong toa tàu ngày 1/4/1939.
BÀI CA SƯ PHẠM (Педагогическая поэма)
Giới thiệu : "Bài ca sư phạm" (1933 - 1935), tác phẩm xuất sắc của người thầy giáo hết lòng yêu trẻ, yêu nghề Anton Makarenko mãi mãi gợi lên trong lòng chúng ta những suy ngẫm về thực chất, phương thức của nền giáo dục Xã hội chủ nghĩa.
"Bài ca sư phạm - đó là bài ca của tất cả cuộc đời tôi…" - tác giả thổ lộ trong một bức thư gửi Maksim Gorky. Nội dung tác phẩm cũng thật giản dị : những chuyện xảy ra trong một trại giáo dưỡng dành cho trẻ em hư hỏng, phạm pháp ; do chính Makarenko phụ trách từ năm 1920. Những câu chuyện được người trong cuộc thuật lại vừa thắm đượm tình thương yêu con người, vừa nhuốm chất hài hước hóm hỉnh, đưa chúng ta đến với một cuộc sống sinh động, nhiều mặt của bầy trẻ và nhiệm vụ khó khăn vất vả nhưng cũng đầy lí thú của một nhà sư phạm - người thầy giáo kiên trì lí tưởng giáo dục Cộng sản chủ nghĩa.
Cảm hứng khẳng định mạnh mẽ chủ nghĩa nhân đạo tích cực Xã hội chủ nghĩa, phản bác kiên quyết thái độ tiêu cực, thờ ơ đối với con người, chính là mạch tư tưởng, tình cảm quán xuyến toàn bộ tác phẩm.
"Nhìn thấy cái tốt trong con người bao giờ cũng là việc khó" - Makarenko viết. Với những hoạt động hàng ngày của con người trong cuộc sống, hơn nữa lại là cuộc sống ở một tập thể không lành mạnh, quả là hầu như không thể tìm ra mặt tốt, bởi nó đã bị che lấp bởi cuộc giành giật hàng ngày, chìm nghỉm giữa những va chạm mỗi ngày. Cần phải biết thiết kế cái tốt trong mỗi con người, nhà sư phạm chính là người mang trọng trách đó. Nhà sư phạm phải đến với con người bằng một giả thiết lạc quan, mặc dầu đó là giả thiết có nguy cơ bị lầm lẫn”. Phải thiết kế cái tốt trong con người - trong việc giáo dục những em thiếu nhi hư hỏng, phạm pháp tưởng chừng đã trở thành thứ rác rưởi vứt đi. Makarenko kiên trì phương châm đó. Không phải chỉ đưa các em trở thành những công dân bình thường, không gây tác hại nguy hiểm cho cuộc sống chung, mà phải giáo dục, biến đổi bầy trẻ thành những công dân tích cực.
Makarenko tin tưởng phương hướng của mình là đúng đắn vì ông nhìn nhận toàn bộ hoạt động của trại giáo dưỡng trong mối quan hệ chặt chẽ với những biến đổi to lớn đang diễn ra trên toàn quốc - đó là sự thắng thế từng ngày của công cuộc xây dựng chủ nghĩa Xã hội.
"Cần phải đào tạo con người mới theo cách mới" - đó là nguyên tắc giáo dục của người thầy lỗi lạc Makarenko. Không phải là "nhấn chìm" lũ trẻ với những lầm lạc trong quá khứ mà phải biết khơi dậy - thức tỉnh - động viên - ủng hộ những mầm mống của nhân phẩm chân chính, tốt đẹp. Phải có phương thức, biện pháp cụ thể để "thiết kế cái tốt" trong mỗi bản thân con người. Quá trình xây dựng trại giáo dưỡng thành một tập thể đoàn kết, tổ chức cuộc sống lao động, sáng tạo - đó là biện pháp hàng đầu của Makarenko. Quá trình đó cũng là cơ sở nội dung tác phẩm "Bài ca sư phạm". Dõi theo tiến trình biến đổi của trại, vận mệnh của tập thể, chúng ta dõi theo những bước trưởng thành trong ý thức, tâm lý của những cá nhân đã từng là "phần tử bất hảo" như Burun, Karabanov, Volokhov… Vận mệnh của từng cá nhân gắn bó với vận mệnh tập thể.
"Bài ca sư phạm" - một bài ca hiện thực, trữ tình ca ngợi sức mạnh tốt đẹp của tập thể, phản ánh sâu sắc mục đích cao cả của chủ nghĩa Xã hội - không ngừng mở ra trước mắt mỗi con người những tiền đồ rộng lớn, tốt đẹp. "Con người không thể sống trên đời nếu không có chút niềm vui nào ở phía trước. Động lực chân chính của cuộc sống con người là niềm hứng khởi của ngày mai !". Niềm vui đó không ngoài mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân hài hòa tốt đẹp với lợi ích tập thể, của toàn xã hội. Một con người luôn coi sức mạnh tập thể là sức mạnh cá nhân thì tập thể càng rộng lớn bao nhiêu, con người càng đẹp đẽ, cao quý bấy nhiêu.
Ngòi bút hiện thực của Makarenko không hề né tránh miêu tả những cảnh lao động gian khổ của bầy trẻ. Tuy vậy, "Bài ca sư phạm" rất xứng đáng được xếp vào những tác phẩm thành công nhất về tác dụng giáo dục ý nghĩa sáng tạo của lao động tập thể Xã hội chủ nghĩa. Tính chất lãng mạn của lao động ở đây toát từ hiệu lực lao động trong việc thúc đẩy những Burun, Volokhov… vốn đã quen sống bê tha, bạt mạng vào một nếp sống mới - tập thể và kỉ luật. Lao động tập thể gắn bó những đứa trẻ "bụi đời" đó lại, phát huy những khả năng của các em lâu nay bị chìm lấp, khơi dậy những năng lực mới, đem tới cho các em những niềm vui lành mạnh, trong sáng.
Tập thể vững mạnh, lao động sáng tạo, kỉ luật chặt chẽ nhưng tự giác - như Makarenko khẳng định - đó là những nhân tố quan trọng nhất trong quá trình rèn luyện nhân phẩm những con người mới. Đó cũng là những yếu tố quan trọng nhất tạo nên hạnh phúc của con người. Cốt truyện tuy được xây dựng trên cơ sở quá trình hình thành, phát triển của toàn trại, nhưng chân dung của tập thể không hề làm mờ nhạt chân dung những cá nhân tiêu biểu của tập thể đó. Trái lại, chính qua những chân dung cá nhân đa dạng, được khắc họa rất sinh động ; chúng ta cảm nhận sâu sắc sự biến đổi, trưởng thành của cả tập thể đó.
Nổi bật trong tác phẩm là hình tượng người thuật truyện, cũng chính là người đã tổ chức, lãnh đạo trại trong suốt một thời gian dài. Đó là hình tượng một nhà sư phạm khiêm tốn, hóm hỉnh, nguyện hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Những đoạn tái hiện sinh động từng sự kiện, những con người đan xen những lời phát biểu trực tiếp của tác giả về những quan điểm chính trị, giáo dục lúc nồng đượm tình thương yêu đối với con người, lúc tranh luận gay gắt với những quan điểm đối lập, tạp nên giá trị nghệ thuật đặc sắc của "Bài ca sư phạm", một trong những tiểu thuyết bàn về giáo dục xuất sắc nhất của văn học Nga thế kỷ XX.

(ST)

BÀN VỀ CHUYỆN GIÁO DỤC TRẺ

Chừng nào những bậc làm cha mẹ còn chưa tự xem mình là một người bạn lớn ( theo đúng nghĩa ) của con cái thì sự nghiệp dẫn dắt các cháu đi trên con đường đúng đắn còn chưa thể thành công.

Nhiều người gặp phải rất nhiều khó khăn trong dạy bảo con cái. (Tôi luôn gặp sự dễ dàng bởi ngay từ đầu, tôi vốn đã không cho nó là dễ dàng nên đã nỗ lực nhiều. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị tư tưởng) Tôi đã chuẩn bị tư tưởng như thế này :
1. Đào luyện một con người là không bao giờ dễ và cái giá của nó có thể là không hề nhỏ : Đó có thể là thời gian, công sức, tiền của và đôi khi còn có thể là phải đánh đổi bằng cả danh dự, sự nghiệp ( Bởi tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái phải là vô bờ bến. Nhận lãnh khó khăn về mình chớ không đẩy khó khăn về phía con cái).
2. Giáo dục trẻ nhỏ có thể nên bắt đầu từ chỗ giáo dục người lớn.
Có sự liên quan giữa những năm tháng trưởng thành của con cái và sự điều chỉnh trong hành vi của cha mẹ. Ví dụ : “ Con biết lẫy thì bố biết bò”. Con bắt đầu biết lẫy (lật) thì bố phải nằm bò xuống để gần gũi để trò chuyện và giúp đỡ con từ những động tác đầu đời này. Ý muốn nói phải điều chỉnh để có thể gần gũi như người bạn.
3. Phương pháp hình mẫu trong đời sống thực là phương pháp chủ yếu (không phải là phương pháp duy nhất). (Ta thường gọi là làm gương mẫu).
4. Tính tự giác, tình yêu thương, kiên nhẫn, độ lượng và sự tin cậy là cực kỳ cần thiết.
5. Đừng quá lo lắng khi các cháu phản kháng. Các cháu phản kháng hẳn phải có lý do. Điểm tích cực của điều này là ở chỗ nó mở màn cho một sự điều chỉnh để xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn…Nó thể hiện một sự đột phá trong nhận thức của trẻ. Tuy nhiên, đòi hỏi người lớn cần khéo vận dụng. Bởi đây cũng là cao điểm của quá trình phát triển của các mối mâu thuẫn nội tại và ngoại tại. Nhiều cha mẹ gặp trường hợp này đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Tôi không quá lo lắng khi con cháu hay học trò phản kháng. Tôi vui vì biết chúng đang trưởng thành. Chỉ cần giúp trẻ thể hiện hành vi ở mức độ và phương thức hợp lý.
6. Có vai trò của xã hội trong giáo dục gia đình.
Không có gia đình nào đứng ngoài xã hội, tách rời khỏi những giai đọan phát triển của xã hội, đứng bên trên của luật pháp và những giá trị đạo đức truyền thống của xã hội loài người nói chung ( Đừng nhầm lẫn với giá trị đạo đức truyền thống của xã hội Việt Nam xưa . Xã hội Việt Nam ngày nay cũng đang hội nhập với thế giới, nếu muốn làm con người tiến bộ, ta đừng khư khư giữ lề thói cũ. Đây cũng là một nội dung giáo dục người lớn).
7. Làm một người bạn lớn đúng nghĩa của các cháu.
8. Trẻ nhỏ thích nghe kể chuyện. Kể chuyện là một phương pháp giáo dục hay.

Friday, March 9, 2012

TÔI MUỐN NÓI ĐẾN MÙA THI TIẾNG HÁT MÃI XANH 2012

Tại sao đã gọi là thi cử, tranh tài mà lại còn ưu tiên ở trong đó ? Sở dĩ tôi nói như vậy, bởi vì nhìn vào tỉ lệ thí sinh chênh lệch giữa 3 bảng A,B,C và số lượng thí sinh được lựa chọn. Chẳng lẽ Ban Tổ chức không biết làm bài toán tỉ lệ rất đơn giản đó.Cũng đừng đổ cho là thể lệ đã được công bố rồi. Cho dù đã công bố thì cũng nên sửa nếu thây nó còn chưa đúng, chưa hay.Trong thâm tâm của chúng tôi giờ đây, qua lần thi thứ hai này (2012), bỗng cảm thấy cuộc thi của chúng ta trở nên nặng tính chất phong trào và hình thức chứ không còn là một cuộc tranh tài công bằng nữa. Với ý nghĩ này, tôi không biết sẽ còn có nhiều người muốn ghi danh dự thi vào năm sau 2013 không nữa ?