Saturday, March 31, 2012

BÀN VỀ CHUYỆN GIÁO DỤC TRẺ

Chừng nào những bậc làm cha mẹ còn chưa tự xem mình là một người bạn lớn ( theo đúng nghĩa ) của con cái thì sự nghiệp dẫn dắt các cháu đi trên con đường đúng đắn còn chưa thể thành công.

Nhiều người gặp phải rất nhiều khó khăn trong dạy bảo con cái. (Tôi luôn gặp sự dễ dàng bởi ngay từ đầu, tôi vốn đã không cho nó là dễ dàng nên đã nỗ lực nhiều. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị tư tưởng) Tôi đã chuẩn bị tư tưởng như thế này :
1. Đào luyện một con người là không bao giờ dễ và cái giá của nó có thể là không hề nhỏ : Đó có thể là thời gian, công sức, tiền của và đôi khi còn có thể là phải đánh đổi bằng cả danh dự, sự nghiệp ( Bởi tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái phải là vô bờ bến. Nhận lãnh khó khăn về mình chớ không đẩy khó khăn về phía con cái).
2. Giáo dục trẻ nhỏ có thể nên bắt đầu từ chỗ giáo dục người lớn.
Có sự liên quan giữa những năm tháng trưởng thành của con cái và sự điều chỉnh trong hành vi của cha mẹ. Ví dụ : “ Con biết lẫy thì bố biết bò”. Con bắt đầu biết lẫy (lật) thì bố phải nằm bò xuống để gần gũi để trò chuyện và giúp đỡ con từ những động tác đầu đời này. Ý muốn nói phải điều chỉnh để có thể gần gũi như người bạn.
3. Phương pháp hình mẫu trong đời sống thực là phương pháp chủ yếu (không phải là phương pháp duy nhất). (Ta thường gọi là làm gương mẫu).
4. Tính tự giác, tình yêu thương, kiên nhẫn, độ lượng và sự tin cậy là cực kỳ cần thiết.
5. Đừng quá lo lắng khi các cháu phản kháng. Các cháu phản kháng hẳn phải có lý do. Điểm tích cực của điều này là ở chỗ nó mở màn cho một sự điều chỉnh để xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn…Nó thể hiện một sự đột phá trong nhận thức của trẻ. Tuy nhiên, đòi hỏi người lớn cần khéo vận dụng. Bởi đây cũng là cao điểm của quá trình phát triển của các mối mâu thuẫn nội tại và ngoại tại. Nhiều cha mẹ gặp trường hợp này đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Tôi không quá lo lắng khi con cháu hay học trò phản kháng. Tôi vui vì biết chúng đang trưởng thành. Chỉ cần giúp trẻ thể hiện hành vi ở mức độ và phương thức hợp lý.
6. Có vai trò của xã hội trong giáo dục gia đình.
Không có gia đình nào đứng ngoài xã hội, tách rời khỏi những giai đọan phát triển của xã hội, đứng bên trên của luật pháp và những giá trị đạo đức truyền thống của xã hội loài người nói chung ( Đừng nhầm lẫn với giá trị đạo đức truyền thống của xã hội Việt Nam xưa . Xã hội Việt Nam ngày nay cũng đang hội nhập với thế giới, nếu muốn làm con người tiến bộ, ta đừng khư khư giữ lề thói cũ. Đây cũng là một nội dung giáo dục người lớn).
7. Làm một người bạn lớn đúng nghĩa của các cháu.
8. Trẻ nhỏ thích nghe kể chuyện. Kể chuyện là một phương pháp giáo dục hay.

No comments: